16/04/2009
Kết quả kiểm tra việc áp giá điện giờ cao điểm tại doanh nghiệp Hà Nội, Tiền Giang và Long An đã làm nhiều người ngỡ ngàng. Chi phí giá điện giờ cao điểm chỉ bị đội lên khoảng 0,1-0,76% và thấp hơn nhiều so với con số 20-40% mà doanh nghiệp công bố với báo giới.
Sau khi báo chí phản ánh bức xúc của nhiều doanh nghiệp về việc tiền điện đã tăng hơn mức tăng bình quân mà Chính phủ phê duyệt khi tính thêm 2 giờ cao điểm vào buổi sáng, Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương đã kiểm tra tại 3 địa phương, gồm Hà Nội, Long An và Tiền Giang. Đây cũng là 3 tỉnh thành có nhiều doanh nghiệp "kêu" khó khăn nhất.
Áp giá điện giờ cao điểm: Doanh nghiệp than khó, Cục Điều tiết điện lực bảo không bị ảnh hưởng nhiều. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo kết quả do Cục Điều tiết Điện lực VN công bố, chi phí tiền điện phải trả thêm khi áp dụng giá bán mới của các doanh nghiệp trong tháng 3 đã tăng khoảng 2,26-22,6%. Tuy nhiên, mức ảnh hưởng của cơ chế giờ cao điểm buổi sáng là không đáng kể, trung bình 0,04-0,76%. Có đơn vị cao nhất cũng chỉ lên tới 3,4% và thấp hơn nhiều so với những gì mà doanh nghiệp than thở với báo giới.
Ngày 31/3, đoàn kiểm tra đã tới làm việc tại 3 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, gồm Công ty cổ phần May 10, Công ty Dệt kim Đông Xuân và Công ty cổ phần khóa Việt Tiệp. 3 doanh nghiệp này từng than thở với báo giới gặp nhiều khó khăn khi ngành điện quy định giờ cao điểm vào buổi sáng (từ 9h đến 11h).
Theo kết quả kiểm tra, năm 2008, sản lượng điện tiêu thụ của May 10 là 4,96 triệu kWh, tương ướng với số tiền phải trả là 4,566 tỷ đồng. Cũng trong năm 2008, công ty này sản xuất được 6,741 triệu sản phẩm các loại cho doanh thu 136,25 tỷ đồng. Trong đó, chi phí tiền điện chiếm 3,35% doanh thu.
Tính riêng trong tháng 3/2009 khi EVN áp dụng giá bán mới, chi phí điện của Công ty May 10 tăng thêm 22,6%, tuy nhiên, mức tăng do áp dụng cơ chế giá điện vào giờ cao điểm chỉ là 0,76%.
Tại Công ty Dệt kim Đông Xuân, trong năm 2008, đơn vị này tiêu thụ khoảng 3,38 triệu kWh điện, tương ứng với số tiền phải trả là 3,534 tỷ đồng, chiếm 1,76% tổng doanh thu 200 tỷ đồng trong năm. Chi phí tiền điện cho một sản phẩm là 428,2 đồng cho một sản phẩm. Tính trong tháng 3, chi phí điện của Đông Xuân tăng thêm 5,76%, tuy nhiên mức tăng khi áp dụng cơ chế giờ cao điểm chỉ khoảng 0,1%.
Còn tại Công ty cổ phần khóa Việt Tiệp, chi phí điện trên mỗi sản phẩm quy đổi là 300 đồng, chiếm 1,11% doanh thu. Thậm chí Phó giám đốc Việt Tiệp - Nguyễn Văn Tuấn còn khẳng định với Đoàn kiểm tra rằng công ty không bức xúc hay kêu ca gì mà chỉ là nêu ý kiến về chi phí giá điện tăng khi áp dụng giờ cao điểm mới theo cách tạm tính của doanh nghiệp.
Chi phí điện của Việt Tiệp tăng thêm trong tháng 3 là 12,6% trong đó, mức tăng khi tính giờ cao điểm vào khoảng 0,14%.
Kết quả kiểm tra tại một số doanh nghiệp tại 2 tỉnh Tiền Giang và Long An cũng cho số liệu tương tự chi phí giá điện tính theo giờ cao điểm tăng thêm khoảng 0,1-0,76%.
Theo Cục Điều tiết Điện lực, tất cả các doanh nghiệp được kiểm tra đều tạm tính chi phí tiền điện phải trả tăng thêm dựa vào sản lượng tiêu thụ của các tháng trước hoặc 2008 chứ chưa phải là chi phí thực tế. Các doanh nghiệp hoàn toàn có thể sắp xếp lại thời gian sản xuất và giảm công suất cho tiết kiệm chi phí hơn.
Cơ quan này cho rằng thời gian triển khai chưa nhiều, các doanh nghiệp vẫn đang sắp xếp lại sản xuất nên cần có thêm thời gian để đánh giá chính xác. Do đó trong báo cáo, Cục cũng chưa có kiến nghị gỡ khó cho doanh nghiệp.
Hồng Anh
Nguồn: http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/vi-mo/gia-dien-gio-cao-diem-khong-lam-doi-chi-phi-doanh-nghiep-2699823.html
Input your email to receive our newsSUBSCRIBE