1. Hanel Plastics
  2. Tin tức
  3. Tin chuyên ngành
  4. Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam: Góc nhìn từ Hanel xốp nhựa

Tin chuyên ngành

Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam: Góc nhìn từ Hanel xốp nhựa

20/08/2011

Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam sẽ không dễ bứt phá, khi mà hiện tại, sản phẩm “đáng tự hào nhất” của ngành này vẫn chỉ là hộp xốp hay vỏ nhựa…

Với việc là nhà cung cấp chính các loại hộp xốp, vỏ nhựa, chi tiết máy in… cho Canon, Panasonic, Toto, Samsung, LG, Hòa Phát…, Công ty cổ phần Hanel xốp nhựa (Hà Nội) là một trong những nhà sản xuất vệ tinh của các tập đoàn hàng đầu thế giới, cho dù họ vẫn đang nằm “ngoài rìa” của cái gọi là chuỗi giá trị toàn cầu.

Không thể phủ nhận, Hanel xốp nhựa là một trong những doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh thành công, bởi theo ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Công ty, với tổng vốn đầu tư ban đầu 2,5 triệu USD, sau 17 năm hoạt động, Hanel đã có 3 cơ sở sản xuất, giải quyết việc làm cho 300 lao động và đạt doanh thu hàng năm khoảng 10 - 15 triệu USD. Quan trọng hơn, không phải doanh nghiệp nào cũng có được hợp đồng đặt hàng ổn định của các tập đoàn hàng đầu này.

Song, nếu nhìn trên khía cạnh của cả nền công nghiệp, có rất nhiều chuyện đáng bàn. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong câu chuyện về công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã lo lắng, khi cho tới nay, bao bì carton, vỏ nhựa gần như là tất cả những gì mà doanh nghiệp Việt Nam có thể đóng góp cho ngành công nghiệp điện tử Việt Nam.

Ông Hayashida Takayuki, Cố vấn cao cấp hình thành dự án của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thì đặt ngành công nghiệp Việt Nam ở tình trạng “rất nguy hiểm”, khi mà hầu hết các nguyên phụ kiện chủ yếu đều được nhập từ bên ngoài vào để lắp ráp. “Nhà đầu tư nước ngoài đang tìm đến Việt Nam phần lớn là vì chi phí nhân công rẻ. Khi chi phí này tăng cao, rất có thể, họ sẽ chuyển sang nước khác để sản xuất, ở nơi có nguồn nguyên phụ liệu sẵn có”, ông Takayuki nói và nhấn mạnh, thiếu công nghiệp phụ trợ, nền công nghiệp hoàn toàn không được nuôi dưỡng ở Việt Nam

Để trợ giúp Việt Nam, mà nói một cách chính xác là để “lợi cả đôi đường”, JICA đã có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Song vấn đề nằm ở chỗ, theo ông Shii Hitoyoshi, tình nguyện viên của chương trình, không nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng đón nhận sự hỗ trợ của JICA, thậm chí JICA rất khó tìm được các ứng viên thích hợp.  “Nếu quý vị biết công ty nào có thể trở thành ứng viên của chương trình hỗ trợ này, xin vui lòng liên hệ theo số điện thoại và email dưới đây - 04.37245030/31; nghiemthuyphuong@gmail.com ”, ông Hitoyoshi đã “kêu gọi” như vậy sau khi thuyết trình về chương trình trợ giúp của JICA. Đây là một điều hiếm thấy, bởi lâu nay, doanh nghiệp Việt luôn rất “thính nhạy” với các chương trình hỗ trợ từ bên ngoài.

Doanh nghiệp Việt thờ ơ với phát triển công nghiệp phụ trợ chăng? Câu trả lời là không hề sai. Song, cũng phải thừa nhận rằng, cũng có lý do liên quan đến năng lực của doanh nghiệp Việt.

“Tôi cho rằng, đã đến lúc Việt Nam xem xét lại danh mục lĩnh vực thuộc công nghiệp hỗ trợ ưu tiên hàng đầu, hay là các lĩnh vực cốt lõi, để phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế. Và chúng tôi sẽ sẵn sàng hỗ trợ các bạn trong các lĩnh vực này”, ông Takayuki nói.

(baodautu.vn)

Nhập email để nhận thông tin mới nhấtNHẬP